CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA BAN QUẢN LÝ RỪNG ĐẶC DỤNG VÀ PHÒNG HỘ 

(Quy định tại Quyết định số 07/QĐ-NNMT ngày 01/3/2025 của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Rừng đặc dụng và phòng hộ)

        I. Vị trí và chức năng
        1. Ban Quản lý rừng Đặc dụng và Phòng hộ (sau đây gọi tắt là Ban) là đơn vị sự nghiệp công lập và là một chủ rừng trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lạng Sơn, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, số lượng người làm việc, chuyên môn nghiệp vụ của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lạng Sơn.
        2. Ban Quản lý Rừng Đặc dụng và Phòng hộ có chức năng tham mưu giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lạng Sơn thực hiện quản lý, bảo vệ, bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững rừng đặc dụng và rừng phòng hộ được giao trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn theo các quy định của pháp luật.

 

        II. Nhiệm vụ và quyền hạn
        1. Chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lạng Sơn về quản lý các Khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được giao trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn theo quy định của pháp luật.
        2. Xây dựng Kế hoạch hoạt động hằng năm, 05 năm và dài hạn, các chương trình, đề án, dự án theo quy định về quản lý, bảo vệ, bảo tồn, phát triển và sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được giao trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ rừng theo Luật Lâm nghiệp, các quy định về quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và các quy định của pháp luật có liên quan; thực hiện nhiệm vụ về quản lý, bảo vệ, bảo tồn, phát triển rừng và khôi phục hệ sinh thái tự nhiên, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, quản lý hoạt động dịch vụ trong Khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; Tiếp nhận và sử dụng các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cải tạo môi trường rừng, cảnh quan rừng, thực hiện, phối hợp thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
        3. Tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nghiên cứu, khảo nghiệm và phát triển các loài cây giống lâm nghiệp có giá trị cao, cây đặc sản, cây đặc hữu, quý hiếm, cây dược liệu, giống cây bản địa theo quy định của pháp luật; tư vấn, cung ứng các dịch vụ về lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh, phát triển rừng, thiết kế các hạng mục lâm sinh, trang trại vườn rừng, dịch vụ các loài cây giống nông lâm nghiệp, cây bản địa, cây xanh cây lấy gỗ; bảo tồn, xây dựng và phát triển vườn thực vật rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để lưu giữ các nguồn gen đa dạng sinh học.
       4. Xây dựng quy hoạch khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ theo quy định và tổ chức thực hiện quy hoạch sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
       5. Lập các dự án đầu tư xây dựng khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức thực hiện các nội dung theo dự án đầu tư của khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
      6. Chủ trì phối hợp với các cấp chính quyền sở tại và các cơ quan chức năng trong quản lý, bảo vệ rừng; xây dựng và thực hiện phương án, biện pháp bảo vệ hệ sinh thái rừng; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi phá, hủy hoại, lấn, chiếm rừng và đất rừng; phòng chống săn bắn, bẫy, bắt động vật rừng trái phép; phòng cháy, chữa cháy rừng; phòng trừ sinh vật gây hại rừng và thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Luật Lâm nghiệp, pháp luật về đất đai, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, pháp luật về thú y và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
      7. Thực hiện thống kê rừng, kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng theo quy định tại khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được giao; tổ chức phân chia, xác định ranh giới quản lý rừng, xây dựng và bảo vệ hệ thống mốc giới, bảng chỉ dẫn của khu rừng trên bản đồ và trên thực địa; định kỳ báo cáo cơ quan cấp trên
theo quy định.
      8. Thực hiện khoán các hạng mục công trình lâm sinh về bảo vệ và phát triển rừng, trồng rừng, chăm sóc rừng cho hộ gia đình, cá nhân, Cộng đồng dân cư, lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị xã hội để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng. Tổ chức, thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế theo sự phân công của cơ quan có thẩm quyền và theo quy định hiện hành của Nhà nước.
      9. Xây dựng phương án khai thác lâm sản trên phần diện tích rừng được giao, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật và tổ chức thực hiện theo phương án khai thác lâm sản đã được phê duyệt.
     10. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát bên nhận khoán rừng phòng hộ thực hiện các hoạt động sản xuất lâm, nông nghiệp kết hợp trong rừng phòng hộ, trồng rừng trên đất rừng phòng hộ được giao khoán theo đúng quy định của pháp luật; thực hiện các biện pháp lâm sinh để phát triển rừng phòng hộ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
      11. Được tổ chức, thực hiện chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định; tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, văn hóa xã hội và các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
     12. Nghiên cứu đề xuất các chính sách phù hợp để khuyến khích cộng đồng, Nhân dân địa phương tích cực tham gia bảo vệ khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; xây dựng và triển khai các dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đệm khi được cấp có thẩm quyền giao.
     13. Kiểm tra ngăn chặn các hành vi, vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, quản lý lâm sản, lập biên bản kiểm tra ban đầu, bảo vệ hiện trường, bảo quản tang vật vi phạm, kịp thời báo cáo với cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
    14. Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống thông tin, lưu trữ tư liệu theo lĩnh vực được phân công, quản lý.
    15. Được sử dụng công cụ hỗ trợ, đồng phục, phương tiện, thiết bị chuyên dụng theo quy định của pháp luật.
    16. Quản lý tài sản, trang thiết bị, tài chính của cơ quan, quản lý sử dụng biên chế, số lượng người làm việc trong cơ quan theo quy định của pháp luật.
    17. Thực hiện các nhiệm vụ khác được Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lạng Sơn giao và theo quy định của pháp luật.