CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CHI CỤC KIỂM LÂM

(Quy định tại Quyết định số 508/QĐ-UBND ngày 28/02/2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn

Về việc Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Kiểm lâm, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lạng Sơn)

        I. Vị trí và chức năng
        a) Chi cục Kiểm lâm là tổ chức hành chính thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường, giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thực hiện chức năng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp; là lực lượng chuyên ngành về phòng cháy và chữa cháy rừng.
        b) Chi cục Kiểm lâm chịu sự chỉ đạo, quản lý của Sở Nông nghiệp và Môi trường, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Lâm nghiệp - Kiểm lâm thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
        c) Chi cục Kiểm lâm (sau đây gọi tắt là Chi cục) có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, có kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp theo quy định của pháp luật.
Trụ sở làm việc của Chi cục đặt tại số 18, đường Trần Hưng Đạo, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

 

        II.  Nhiệm vụ và quyền hạn
        1. Về quản lý rừng
       a) Tham mưu, giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường xây dựng các chương trình, kế hoạch, phương án, đề án về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng; bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp;
      b) Tham mưu, giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường trình cấp có thẩm quyền ban hành: chủ trương chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; phân loại rừng, phân định ranh giới các loại rừng; quyết định giao rừng, cho thuê rừng, chuyển loại rừng; quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng, quyết định khung giá rừng trên địa bàn tỉnh; quyết định thành lập khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh; quyết định đóng, mở cửa rừng tự nhiên tại địa phương theo quy định; phương án huy động các lực lượng, vật tư, phương tiện, thiết bị của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh để ứng phó khẩn cấp chữa cháy rừng theo thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh;
      c) Tham mưu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững, đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, phòng hộ thuộc địa phương quản lý, thiết kế, dự toán công trình lâm sinh theo quy định của pháp luật;
      d) Tham mưu, giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và chủ rừng trong quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng ở địa phương, phối hợp và huy động lực lượng, phương tiện của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn trong bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản theo quy định.
      2. Bảo vệ rừng:
     a) Tham mưu cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường giúp Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với các cơ quan, tổ chức, lực lượng khác bảo vệ rừng thuộc sở hữu toàn dân nơi Nhà nước chưa giao, chưa cho thuê trên địa bàn tỉnh;
      b) Tổ chức thực hiện điều tra rừng, kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến rừng; cập nhật cơ sở dữ liệu, hồ sơ quản lý rừng trên địa bàn tỉnh;
      c) Phối hợp với chủ rừng tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp;
     d) Theo dõi, dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; tổ chức lực lượng, phương tiện phối hợp với chủ rừng và chính quyền các cấp chữa cháy rừng; trong trường hợp cần thiết tham mưu cho cấp có thẩm quyền tổ chức huy động lực lượng, phương tiện trên địa bàn tổ chức chữa cháy rừng;
      đ) Tổ chức xây dựng lực lượng chuyên ngành về phòng cháy và chữa cháy rừng; hướng dẫn, kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng.
      3. Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học
      a) Tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Môi trường thực hiện các nhiệm vụ: tổ chức xây dựng phương án bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học lồng ghép vào quy hoạch tỉnh; tổ chức điều tra, đánh giá, lập danh mục, dự án thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, vùng đất ngập nước quan trọng, cảnh quan sinh thái quan trọng, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; quản lý, giám sát hoạt động tiếp cận nguồn gen và tri thức truyền thống gắn với nguồn gen theo quy định của pháp luật; kiểm soát các loài sinh vật ngoại lai xâm hại, sinh vật biến đổi gen và sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen; tổ chức kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo đa dạng sinh học, xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học; tổ chức thực hiện hoạt động đăng ký, công nhận, cấp, thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận về đa dạng sinh học thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật; thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học theo phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh; thẩm định hồ sơ cấp giấy phép trao đổi, mua, bán, tặng, cho, thuê mẫu vật của loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ; thẩm định hồ sơ cấp giấy phép nuôi trồng loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; tổ chức thực hiện việc chi trả dịch vụ môi trường liên quan đến đa dạng sinh học cấp tỉnh; lập hồ sơ đề cử công nhận và thực hiện chế độ quản lý các danh hiệu quốc tế về bảo tồn (khu Ramsar, vườn di sản của ASEAN, khu Dự trữ sinh quyển thế giới);
      b) Tổ chức các biện pháp bảo tồn loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, bảo tồn nguồn gen các loài bản địa, loài có giá trị trên địa bàn tỉnh.
      4. Về sử dụng rừng
      a) Tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện phương án về sử dụng rừng; khai thác lâm sản; tổ chức sản xuất lâm nghiệp gắn với chế biến và thương mại lâm sản trên địa bàn tỉnh;
      b) Hướng dẫn, kiểm tra hoạt động về sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp, thủy sản kết hợp trồng rừng trên địa bàn tỉnh theo quy định của phát luật;
      c) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định.
      5. Về phát triển rừng
      a) Tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển lâm nghiệp bền vững; phương án trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; báo cáo tình hình quản lý, sử dụng Quỹ bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh;
     b) Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về lâm nghiệp, chiến lược phát triển lâm nghiệp; quy hoạch lâm nghiệp; chương trình, kế hoạch, dự án, đề án về lâm nghiệp theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh;
     c) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc trồng rừng, bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; nuôi dưỡng rừng; làm giàu rừng; cải tạo rừng tự nhiên và khoanh nuôi tái sinh rừng; phát triển cây lâm nghiệp phân tán theo quy định.
      6. Về giống cây trồng lâm nghiệp
    a) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định, tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lâm nghiệp; công nhận cây mẹ, cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng, vườn giống và rừng giống trên địa bàn tỉnh;
    b) Chỉ đạo, kiểm tra về sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp và sử dụng vật tư nguồn giống cây lâm nghiệp; tổng hợp, cập nhật, công bố công khai danh mục nguồn giống cây trồng lâm nghiệp được công nhận hoặc hủy bỏ công nhận theo quy định.
      7. Về bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp
    a) Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp thuộc nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật;
    b) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý rừng, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, khai thác rừng, sử dụng rừng, vận chuyển, kinh doanh, cất giữ, chế biến lâm sản, gây nuôi, trồng cấy các loài động vật rừng, thực vật rừng theo quy định của pháp luật; xác minh, xác nhận nguồn gốc lâm sản đối với chủ lâm sản, cơ sở kinh doanh, chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu lâm sản;
    c) Tổ chức đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp; xử lý vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính; khởi tố, điều tra vụ án hình sự, hành vi vi
phạm pháp luật về lâm nghiệp theo quy định của pháp luật;
    d) Tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các hoạt động xử lý vi phạm hành chính, hình sự theo quy định của pháp luật.
      8. Thông tin, tuyên truyền, phổ biến, vận động, giáo dục pháp luật về lâm nghiệp.
      9. Xây dựng, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, xây dựng lực lượng, chế độ, chính sách đối với lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tỉnh.
      10. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.
      11. Quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng, đồng phục đối với kiểm lâm theo quy định của pháp luật.
    12. Thực hiện nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực lâm nghiệp theo quy định.
      13. Tham mưu, giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn, kiểm tra đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, các hội và các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp theo
quy định của pháp luật.
    14. Thực hiện công tác cải cách hành chính; quản lý tổ chức, biên chế công chức, vị trí việc làm; công chức, người lao động; tài chính, tài sản và nguồn lực khác được giao theo phân cấp của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường và theo quy định của pháp luật.
     15. Thực hiện công tác kiểm tra, tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và xử lý vi phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Chi cục theo quy định của pháp luật.
     16. Thực hiện công tác thông tin, báo cáo theo định kỳ, đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao về lĩnh vực lâm nghiệp theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
     17. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường giao và theo quy định của pháp luật.