Kính gửi: Công dân Nguyễn Sỹ, địa chỉ tại Quốc lộ 1B,
Khối phố Vĩnh Thuận, số điện thoại 0343684131.
Ngày 06/01/2025, Trang thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn nhận được ý kiến trực tuyến của ông Nguyễn Sỹ gửi tới với nội dung đề nghị về hướng dẫn xử lý vi phạm đối với trường hợp tự ý sử dụng đất đất không đúng mục đích, cụ thể như sau:
Tiêu đề: Xin giấy chuyển đổi đất
Nội dung: Mảnh đất của tôi có tổng 248m2 được chia thành 2 thửa, trong đó 80m2 đất tôi được cấp xây nhà từ ngày xưa và hiện tại tôi muốn xin giấy chuyển đổi phần đất thửa thứ 2 từ đất vườn sang đất ở và trên thửa thứ 2 này ngày xưa cụ thể là năm 2003 tôi đã xây dựng các gian nhà và nhà vệ sinh, phòng ăn,... Hôm nay tôi lên Ủy ban nhân dân ở địa phương để xin giấy chuyển đổi 30m2 trong số 168m2 còn lại thì họ nói tất cả những gì tôi xây ở thửa thứ 2 bây giờ là vi phạm hoặc xây dựng trái phép, nếu muốn xin giấy chuyển đổi tôi cần phải dỡ bỏ toàn bộ hoặc trả phí do vi phạm và không cần phải dỡ và họ nói tôi đến quản lí trật tự đô thị để nộp phạt thì họ nói tôi không thể làm theo phương án nộp phạt do vi phạm và vẫn giữ lại những gì đã xây trước đó để xin giấy chuyển đổi, vậy trường hợp của tôi nên xử lý thế nào?
Do không có hồ sơ, tài liệu về diện tích đất công dân hỏi, theo như công dân trình bày, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn có ý kiến như sau:
Tại Nghị định số 123/2024/NĐ-CP ngày 04/10/2024 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, cụ thể tại Điều 10 quy định như sau:
1. Hành vi chuyển đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất lâm nghiệp sang đất phi nông nghiệp (không phải đất ở) thuộc địa giới hành chính của xã thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất dưới 0,05 héc ta;
e) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 02 héc ta trở lên.
2. Hành vi chuyển đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất lâm nghiệp sang đất ở thuộc địa giới hành chính của xã thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với diện tích đất từ dưới 0,01 héc ta;
đ) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,1 héc ta trở lên.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 139 Luật Đất đai;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.”
Căn cứ quy định nêu trên, thửa đất thứ hai của công dân là đất vườn (thuộc đất nông nghiệp), công dân đã tự ý xây dựng các công trình nhà, vệ sinh, phòng ăn trên đất vào năm 2003 mà chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép là hành vi vi phạm pháp luật đất đai, thuộc trường hợp phải xử phạt vi phạm theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 10 Nghị định số 123/2024/NĐ-CP ngày 04/10/2024 của Chính phủ như đã nêu trên. Thẩm quyền xử phạt vi phạm là Chủ tịch UBND cấp huyện nơi có đất theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Nghị định số 123/2024/NĐ-CP ngày 04/10/2024 của Chính phủ.
Việc các công trình vi phạm có bị tháo dỡ, khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm hay không phải căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Nghị định số 123/2024/NĐ-CP ngày 04/10/2024 của Chính phủ, trong đó tại điểm a quy định: “a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 139 Luật Đất đai”. Như vậy nếu trường hợp thửa đất của công dân thuộc trường hợp theo quy định tại khoản 3 Điều 139 Luật Đất đai năm 2024 thì không phải buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 139 Luật Đất đai năm 2024 thì phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn có ý kiến, cung cấp thông tin để công dân được biết./.