Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Nông nghiệp và Môi trường

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động phòng ngừa cúm gia cầm

        Virus cúm và bệnh Cúm gia cầm

       Virus gây bệnh cúm có 3 type, gồm: Type A, type B, type C, trong đó type A gây ra bệnh Cúm gia cầm. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở gia cầm rất nguy hiểm, bởi bệnh có khả năng lây lan nhanh và gây tỷ lệ chết cao trong đàn gia cầm. Đặc biệt, virus cúm A còn có thể lan truyền từ động vật sang người, gây tử vong ở người nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời. Chính từ mức độ nguy hiểm như vậy nên Cúm gia cầm đã được tổ chức Thú y Thế giới (OIE) xếp vào bảng A – Bảng Danh mục các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất hiện nay.

Cấu trúc của vius Cúm gia cầm

Triệu chứng gia cầm nhiễm bệnh Cúm gia cầm

Tình hình dịch bệnh Cúm gia cầm (CGC) và một số yếu tố gây nguy cơ cao

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ năm 2019 - 2024, cả nước đã ghi nhận 352 ổ dịch CGC (trung bình mỗi năm xảy ra 59 ổ dịch). Riêng tại tỉnh Lạng Sơn, qua kết quả giám sát lưu hành virus CGC tại các chợ buôn bán gia cầm sống năm 2024, trong tổng số 168 mẫu thu thập được gửi cơ quan chuyên môn xét nghiệm (144 mẫu Swabs gộp hầu họng, 24 mẫu Swabs môi trường) có 110/168 mẫu dương tính với virus CGC type A tại 03 chợ (Giếng Vuông, Đồng Đăng, Lộc Bình). Như vậy có thể thấy các chủng virus CGC vẫn đang lưu hành trên đàn gia cầm bên ngoài thị trường với những mức độ khác nhau.

Ở tỉnh ta, hoạt động chăn nuôi phổ biến theo tập quán chăn thả với tính  chất phân tán, nhỏ lẻ trong nông hộ, do vậy rất khó khăn trong khâu giám sát dịch bệnh. Bên cạnh đó, cùng với các hoạt động giao thương sôi động qua lại biên giới, hiện tượng vận chuyển, nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép qua biên giới vẫn lén lút diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi. Trước nguy cơ virus CGC xâm nhiễm, bùng phát thành dịch bệnh rất cao, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm trên địa bàn, tổ chức hoạt động chăn nuôi theo kỹ thuật an toàn sinh học.

          Các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh Cúm gia cầm

          Đối với người chăn nuôi:

 - Cần thực hiện theo biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học (quản lý đồng bộ từ con giống, chuồng trại, thức ăn, vệ sinh khử trùng, tiêu độc, phòng bệnh).

- Chăn nuôi nên đưa ra xa khu vực người ở. Khu vực chăn nuôi cần phải có hàng rào che chắn nhằm ngăn ngừa vật nuôi tiếp xúc chéo với đàn khác và các loài động vật đến từ nơi khác - đặc biệt đối với các loài động vật hoang dã.

- Hạn chế người và các phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi.

- Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ chuồng trại và khu vực chăn nuôi; nên phun thuốc khử trùng 2 lần/tuần, trước khi phun cần vệ sinh chuồng trại, thu dọn rác thải, phát quang bờ cây bụi rậm nhằm tăng hiệu quả tiêu độc khử trùng.

- Lượng phân thải trong chăn nuôi cần thường xuyên dọn sạch và đem ủ nhằm giữ vệ sinh môi trường và tiêu diệt các loại mầm mống dịch bệnh.

 - Tuân thủ lịch tiêm phòng của cơ quan chuyên ngành Thú y đề ra.  

- Đáp ứng đúng khẩu phần và thành phần dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng của gia cầm.

 

Cần có bảo hộ lao động khi tiếp xúc với gia cầm và tuân thủ lịch tiêm phòng của cơ quan chuyên ngành Thú y.

- Thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của gia cầm. Khi chúng có những biểu hiện khác thường như: giảm ăn, ủ rũ ít hoạt động, … cần giám sát chặt chẽ để có biện pháp xử lý kịp thời.

- Cần thiết phải có bảo hộ lao động và rửa tay bằng nước sạch với xà phòng trước và sau khi chăm sóc, tiếp xúc với gia cầm.

- Nên thực hiện theo nguyên tắc “cùng nhập, cùng xuất” khi xuất bán, tái đàn cần để trống chuồng khoảng 2 tuần, vệ sinh tiêu độc khử trùng xong mới tiến hành đưa vào thả nuôi lứa mới.

Đối với người kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm:

- Việc vận chuyển gia cầm sống phải đảm bảo không để rơi vãi chất thải ra môi trường.

- Chỉ được phép vận chuyển gia cầm khi có đầy đủ chứng nhận kiểm dịch của cơ quan Thú y.

- Kinh doanh buôn bán tại những nơi do địa phương quy định.

- Phải có bảo hộ lao động và rửa tay bằng nước sạch với xà phòng trước và sau khi tiếp xúc với gia cầm.

 - Tuyệt đối không tham gia buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu.

Đối với người tiêu dùng:

- Cần thực hiện tốt nguyên tắc “ăn chín, uống sôi”, tuyệt đối không mổ thịt, không ăn thịt gia cầm bị ốm, chết và không rõ nguồn gốc.

- Cần chú ý vệ sinh cá nhân bằng cách rửa tay bằng nước sạch với xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm, các sản phẩm gia cầm, trước khi nấu ăn và trước khi ăn.

- Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các triệu chứng của bệnh cúm rất giống nhau. Đến nay rất khó phân biệt đâu là bệnh cúm thông thường, đâu là bệnh Cúm gia cầm. Vì vậy khi cơ thể mỗi người có những triệu chứng biểu hiện của bệnh cúm như sốt cao trên 380C, ho, đau ngực, khó thở,… cần đến ngay cơ sở y tế khám để có biện pháp điều trị kịp thời./.


Tác giả: Lê Văn Đa, Trung tâm Khuyến nông