Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Nông nghiệp và Môi trường

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực hiện chính sách phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn

Từ ngày 1/1/2025, việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn được triển khai trên toàn quốc theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Chính sách này nhằm giảm áp lực thu gom xử lý rác sinh hoạt, hạn chế ô nhiễm và thúc đẩy tái chế, tái sử dụng tài nguyên. Dù còn nhiều thách thức, đây là bước đi quan trọng hướng đến một môi trường xanh, sạch, bền vững.

Chính sách phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn

Theo quy định của Luật BVMT, từ ngày 1/1/2025, các địa phương sẽ phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn. Hiện nay, 63 tỉnh, thành phố đang thực hiện thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn ở các mức khác nhau, từ đó nhân rộng thực hiện theo đúng lộ trình quy định của Luật. 

Theo ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục KSON môi trường, Bộ TN&MT, hiện nay, mỗi ngày cả nước thải ra gần 68.000 tấn CTR sinh hoạt. Trong đó, khu vực đô thị phát sinh hơn 41 nghìn tấn/ ngày, chiếm gần 61%; khu vực nông thôn phát sinh hơn 26,5 nghìn tấn/ngày, chiếm hơn 39%. Có 20 địa phương phát sinh trên 1000 tấn/ngày, chiếm gần 42%; 24 địa phương phát sinh từ 500 tấn/ngày đến dưới 1000 tấn/ngày, chiếm hơn 38%; 19 địa phương còn lại phát sinh dưới 500 tấn/ ngày, chiếm hơn 30%. 

Khối lượng CTRSH được thu gom, vận chuyển, xử lý trên phạm vi cả nước là khoảng 59 nghìn tấn/ngày, đạt khoảng 87%. Trong đó, đô thị khoảng 39 nghìn tấn/ngày, đạt khoảng 95%; nông thôn gần 20 nghìn tấn/ngày, đạt gần 75%.

Cả nước hiện có khoảng 1,5 nghìn cơ sở xử lý CTRSH. Trong đó có hơn 950 cơ sở chôn lấp CTRSH, với công suất xử lý gần 38 nghìn tấn/ngày, chiếm hơn 64%; 07 cơ sở đốt CTRSH có phát điện, với cppng suất xử lý 6,7 nghìn tấn/ ngày, chiếm tỷ lệ gần 12% và 476 cơ sở đốt CTRSH không phát điện có công suất xử lý hơn 5,6 nghìn tấn, đạt tỷ lệ 9,6%; có 22 cơ sở xử lý CTRSH thành mùn, phân hữu cơ với công suất xử lý 9,4 nghìn tấn/ngày, đạt tỷ lệ gần 16,1%. Ngoài ra, còn một số cơ sở xứ lý bằng công nghệ khác như xử dụng công nghệ khí hóa, sản xuất viên nén,… 

Việc phân loại CTRSH tại nguồn hiện nay đã được triển khai ở nhiều địa phương, với nhiều mô hình, quy mô và mức độ khác nhau. Hiện nay, 63 tỉnh/thành phố toàn quốc đang triển khai mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn với mức độ khác nhau, lộ trình bắt đầu bằng việc các mô hình điểm, từ đó nhân rộng thực hiện. Các địa phương sẽ chủ động triển khai theo thực tế hạ tầng của mỗi địa phương. Trong đó, có nhiều địa phương triển khai phân loại CTRSH ở quy mô lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Lào Cai, Hải Dương, Thừa Thiên Huế,… Tuy nhiên, theo đại diện Cục KSON môi trường, việc triển khai là vấn đề khó khăn, nhiều thách thức, tại quốc gia phát triển như Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng mất hàng chục năm để có thể triển khai thành công trên toàn quốc.

Thực tế, lộ trình phân loại rác tại nguồn liên quan đến vấn đề đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý nên phải có thời gian và nguồn lực đầu tư. Trong đó, khó khăn lớn nhất trong việc phân loại rác tại nguồn là việc đầu tư cơ sở hạ tầng, từ thu gom, vận chuyển đến xử lý, như: Thiếu dịch vụ thu gom, vận chuyển tại nhiều khu vực nông thôn, miền núi; thiếu thiết bị thu gom vận chuyển đáp ứng yêu cầu; thiếu địa điểm tập kết, trung chuyển đáp ứng quy định dẫn đến tồn đọng CTRSH kéo dài gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc cho người dân.

Tại khu vực nông thôn, dụng cụ, phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH cũ, thiếu, phần lớn là phương tiện hoán cải, tự chế, chưa phù hợp với quy trình thu gom bằng công nghệ hiện đại, gây khó khăn trong việc khảo sát, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá.

Phát huy vai trò của chính quyền và cộng đồng

Luật BVMT năm 2020 đã quy định rõ về việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt, phân rõ trách nhiệm của Bộ TN&MT cũng như các địa phương đối với công tác này. 

Một trong những điểm mới của Luật BVMT năm 2020 và các hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt của Bộ TN&MT đã ban hành đều trao quyền chủ động cho UBND cấp tỉnh trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Trên cơ sở quy định của Luật, văn bản số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 2/11/2023 của Bộ TN&MT cho phép các địa phương tự quyết định mức độ, yêu cầu cụ thể về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, phù hợp với hạ tầng kỹ thuật BVMT, công nghệ xử lý chất thải hiện có; điều kiện tự nhiên, KT-XH; phù hợp với nội dung quản lý chất thải trong các quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch BVMT quốc gia; nguồn lực tài chính của địa phương. 

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT- BTNMT ngày 10/01/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT, trong đó đã quy định cụ thể về yêu cầu kỹ thuật đối với phương tiện vận chuyển, điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH, công nghệ xử lý CTRSH, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH. Và đặc biệt, Bộ đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại CTRSH tại Công văn số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023. Hướng dẫn này đưa ra nhận diện tối đa chủng loại CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân theo nguyên tắc quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật BVMT để các địa phương triển khai thực hiện phân loại CTRSH chậm nhất là ngày 31/12/2024. Mới đây, Bộ TN&MT đã ban hành Công văn Công văn số 5392/BTNMT-KSONMT ngày 12/8/2024 gửi đến các cơ quan, tổ chức bộ thông tin, tài liệu gồm: 1. Bộ nhận diện CTRSH phục vụ cho công tác phân loại CTRSH; 2. Phim hoạt hình hướng dẫn kỹ thuật phân loại CTRSH và 3. Phóng sự về công tác phân loại CTRSH tại một số địa phương để các Bộ, cơ quan ngang Bộ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, triển khai công tác truyền thông, phổ biến, tuyên truyền về phân loại CTRSH tới từng hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng.

Trong quá trình ban hành hướng dẫn cụ thể và triển khai về phân loại CTRSH tại địa phương, UBND cấp tỉnh cần căn cứ vào tình hình thực tiễn tại địa phương theo hướng quy định phân loại CTRSH nhằm thúc đẩy tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải, sản phẩm thải bỏ, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia chương trình tái chế, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu theo quy định của Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn thực hiện; giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý. Việc phân loại CTRSH cần phù hợp với hạ tầng kỹ thuật BVMT, công nghệ xử lý chất thải hiện có; điều kiện tự nhiên, KT-XH; phù hợp với nội dung quản lý chất thải trong các quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch BVMT quốc gia; nguồn lực tài chính của địa phương.

Việc thực hiện phân loại thành công phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có một số yếu tố quan trọng như hạ tầng kỹ thuật cho công tác phân loại, thu gom, vận chuyển tái sử dụng, tái chế và xử lý CTRSH phải đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu; có chính sách đồng bộ và nhất quán từ trung ương đến địa phương để thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý CTRSH; cần có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương (tạo ra chính sách, cơ chế thực hiện), doanh nghiệp (trang thiết bị xử lý tái chế phù hợp, đáp ứng yêu cầu đảm bảo đủ nguyên liệu để vận hành ổn định), người dân.

TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, với các quy định cụ thể, chính quyền các cấp phải triển khai đồng bộ từ phân loại tại nguồn đến phân loại khi thu gom, vận chuyển, xử lý, và nhiệm vụ hàng đầu là tăng cường tuyên truyền mục đích, lợi ích của việc phân loại chất thải sinh hoạt; hướng dẫn cho cộng đồng nhận biết, phân loại đúng. Cùng với đó, nâng cao nhận thức để người dân, nhà quản lý, doanh nghiệp hiểu phân loại rác tại nguồn trở thành thói quen rất quan trọng và cần thiết trong việc bảo đảm thực hiện mực tiêu phát triển bền vững đất nước.


Nguồn:https://tainguyenvamoitruong.vn/thuc-hien-chinh-sach-phan-loai-va-xu-ly-rac-thai-sinh-hoat-tai-nguon-cid128096.html Sao chép liên kết