Tổ chức tiêm phòng vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn toàn tỉnh Lạng Sơn
Theo Hệ thống quản lý thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam (VAHIS), từ đầu năm tới nay cả nước đã xảy ra 121 ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) tại 29 tỉnh thành phố, làm chết và buộc phải tiêu hủy 6.507 con lợn.
Tại tỉnh Lạng Sơn, từ ngày 11/3/2025 bắt đầu xảy ra bệnh DTLCP, tới nay xảy ra 7 ổ dịch DTLCP tại 4 huyện, số lợn chết và buộc phải tiêu hủy là 196 con, hiện nay còn 5 ổ dịch chưa qua 21 ngày.
Biểu đồ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tỉnh Lạng Sơn theo tháng (từ đầu năm tới ngày 20/5/2025)
Trước diễn biến của dịch bệnh DTLCP, để kiểm soát và ngăn chặn bệnh DTLCP phát sinh, lây lan ra diện rộng, bảo đảm chăn nuôi phát triển ổn định, ngày 15/5/2025 Sở Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Công văn số 1286/SNNMT-CNTSTY đề nghị UBND các huyện thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai tiêm phòng vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn kịp thời, hiệu quả, đảm bảo an toàn.
Cán bộ thú y tiêm phòng vắc xin Dịch tả lợn Châu phi cho đàn lợn
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các huyện, thành phố tiếp tục tuyên truyền các hộ chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch như: Thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun tiêu độc khử trùng chuồng nuôi, hạn chế người ra, vào khu vực chăn nuôi để tránh tiếp xúc với nguồn bệnh từ bên ngoài. Thông báo cho các hộ chăn nuôi trong diện tiêm phòng về thời gian tiêm phòng và các biện pháp tăng cường sức để kháng cho đàn lợn bằng việc bổ sung vitamin và khoáng chất sau khi tiêm phòng. Tổ chức theo dõi đàn lợn sau tiêm phòng, nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường báo ngay cho nhân viên thú y hoặc chính quyền địa phương để kiểm tra, xử lý kịp thời.
Phun thuốc sát trùng chuồng trại là một trong các biện pháp phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
Vắc xin DTLCP tiêm một liều duy nhất cho lợn thịt khỏe mạnh từ 04 tuần tuổi trở lên (không tiêm cho lợn hậu bị, lợn nái và lợn đực giống). Cách pha vắc xin và liều lượng tiêm phòng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Sau khi được tiêm phòng vắc xin từ 2-4 tuần, lợn có khả năng miễn dịch với vi rút DTLCP. Thời gian miễn dịch kéo dài ít nhất 05 tháng.
Thời gian tổ chức tiêm phòng vắc xin DTLCP trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ ngày 20/5/2025 đến hết ngày 30/5/2025.
Về cơ chế chính sách: Nhà nước hỗ trợ vắc xin, tiền công tiêm phòng theo quy định hiện hành. Sau khi tiêm phòng vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi trong vòng 72 giờ, nếu lợn bị chết do phản ứng với vắc xin thì được nhà nước hỗ trợ theo Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 của HĐND tỉnh Lạng Sơn; nếu lợn chết sau 72 giờ sau khi tiêm phòng vắc xin, lấy mẫu xét nghiệm vi rút DTLCP là dương tính thì hộ chăn nuôi được hưởng chính sách theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/11/2017 của Chính phủ./.